Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Thiết kế cảng Chân Mây, Dung Quất có an toàn?

Trong những ngày này, dư luận đang chú ý đến ý kiến của một số nhà khoa học về "cảng Chân Mây không đủ cao trình, kè chắn cát cảng Dung Quất thiết kế sai, và tiêu chuẩn ngành 22 TCN về thì bê nguyên xi các công trình khoa học của nước ngoài, không phù hợp với điều kiện Việt Nam...". Những chuyện "động trời" ấy làm cho nhiều người băn khoăn.


Cảng Chân Mây có an toàn?
Bắt đầu từ bức thư đề ngày 28/1/2003 của TS Trương Đình Hiển, nghiên cứu viên cấp cao, PGS, TS Nguyễn Sỹ Hồng, TS. Bùi Quốc Nghĩa (Phân viện Vật lý TP.HCM, thuộc Trung tâm KHTN &CN quốc gia) gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cảnh báo: "Với cao trình 3,5m, mặt bến và kho bãi cảng Chân Mây sẽ bị ngập nước trong điều kiện thời tiết bất lợi", và đề nghị: "Việc xử lý các sai phạm trong thiết kế cao trình bến cảng Chân Mây là việc đương nhiên, tức thì". Tiếp đó, tập thể các nhà khoa học của phân viện này tiếp tục gửi tới Bộ trưởng GTVT thư đề ngày 25/3/2003, yêu cầu xử lý vì thiết kế của Công ty Tư vấn xây dựng cảng đường thủy (TEDI. Port) là không an toàn cho cảng Chân Mây. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Việt Tiến đã ký công văn trả lời: "Việc chọn cao độ mặt bến cảng số 1 bằng 3,5m là hợp lý, khi bến phải khai thác trong giai đoạn chưa có đê chắn sóng. Nếu có đê chắn sóng, cao độ mặt bến chỉ cần 2,9m là đủ".

Bộ trưởng GTVT đã giao cho Hội đồng Khoa học & Công nghệ (KH&CN) của Bộ xem xét. Một hội nghị về vấn đề này được tổ chức. PGS.TS Tống Trần Tùng, với cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng KH&CN đã kết luận: "Tiêu chuẩn ngành mang mã số 22CN222-95 do Bộ GTVT ban hành là tiêu chuẩn "dùng để xác định các tải trọng và tác động do sóng và do tàu khi thiết kế" chứ không phải là tiêu chuẩn để xác định cao trình bến như các nhà khoa học Phân viện Vật lý TP.HCM đã nêu. Báo cáo của Ban QLDA cảng Chân Mây cho biết 3 năm qua, với cao trình đỉnh bến +3,5m đã chọn là an toàn...". Thêm nữa, cảng Chân Mây nằm trong cụm cảng Miền Trung đã được phía Nhật Bản nghiên cứu trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, phía Nhật Bản xác định cao trình cho cảng Chân Mây là 2,5m (thấp hơn so với thiết kế của Việt Nam 1m).

Kè chắn cát cảng Dung Quất: Mắc ở khâu nào?
Kỹ sư Lương Phương Hợp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nói: "Công trình đê chắn cát cảng Dung Quất, TEDI được chỉ định thầu, chúng tôi làm theo các quy định pháp quy, các tiêu chuẩn kỹ thuật. Cái mắc nhất liên quan đến tính toán sóng theo tiêu chuẩn 22TCN. Sau 3 lần sửa, anh Hiển vẫn không đồng ý. Chúng tôi lập thiết kế, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về đứa con của mình.

Tiêu chuẩn ngành 22TCN có phải là sự "đánh cắp"?
GS, TS. Lã Ngọc Khuê nói về "tiêu chuẩn ngành 22TCN" do ông ký ban hành ngày 24/7/1995. Theo ông, việc sử dụng tài liệu của Liên Xô để xây dựng tiêu chuẩn này là công khai, được đề xuất trong đề cương phê duyệt. Không chỉ có tiêu chuẩn 22TCN do Bộ GTVT công bố mà nhiều TCVN khác cũng được tiến hành theo thông lệ như vậy. Thí dụ như QP.TL.C-1-78 do Bộ Thuỷ lợi công bố về "tải trọng và lực tác dụng lên công trình thuỷ lợi". Vì thế, bảo anh em ăn cắp bản quyền là không đúng. Thêm nữa, TCN22 không phải là "Công trình thiết kế tiêu chuẩn ngành cấp QG, nó chỉ là dạng văn bản pháp chế kỹ thuật, không ai gọi đó là công trình khoa học. Nói như thế, thì hầu như các tiêu chuẩn của các ngành khác dựa trên các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật của nước ngoài đã có sự nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi để vận dụng ở Việt Nam là ăn cắp cả hay sao?

Ông Trần Lê Trung, Trưởng Ban Quản lý KCN Dung Quất, nói: "Với trách nhiệm là người phụ trách, là chủ đầu tư, tôi sẽ chịu trách nhiệm về dự án đã phê duyệt. Sự thực sẽ chứng minh bằng công trình"...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét