Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Thừa Thiên- Huế: Mở rộng kho xăng dầu tại cảng Chân Mây lên 30.000 m3

Kho cảng xăng dầu tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) dự kiến sẽ được khởi công mở rộng vào cuối tháng 6 này với sức chứa 30.000 m3, gấp hơn 4 lần trước đó. Đây là kho xăng dầu trung chuyển từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Thừa Thiên- Huế:    Mở rộng kho xăng dầu tại cảng Chân Mây lên 30.000 m3 - Tin180.com (Ảnh 1)
Mô hình Kho xăng dầu tại cảng Chân Mây sau khi được mở rộng lên 30.000 m3.
Sáng nay (3/6), Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa có văn bản thống nhất với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, lãnh đạo các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về kế hoạch triển khai thực hiện hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Cụ thể, Tổng công ty Dầu Việt Nam sẽ triển khai khởi công xây dựng mở rộng kho cảng và cảng nhập xăng dầu vào cuối tháng 6/2010 với sức chứa từ 7.000 m3 nâng lên thành 30.000 m3 tại cảng Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế). Tổng công ty này sẽ lập kế hoạch nhập khẩu xăng dầu vào cảng Chân Mây.
Đối với dự án xi măng Long Thọ II sẽ giao cho Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư và liên doanh với một công ty của tỉnh Thừa Thiên- Huế thực hiện…
Ngoài ra, lãnh đạo 2 bên cũng thống nhất giao cho Ban kế hoạch của PVN và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên- Huế dự thảo lại Biên bản ghi nhớ mới về các nội dung thỏa thuận hợp tác để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Thiết kế cảng Chân Mây, Dung Quất có an toàn?

Trong những ngày này, dư luận đang chú ý đến ý kiến của một số nhà khoa học về "cảng Chân Mây không đủ cao trình, kè chắn cát cảng Dung Quất thiết kế sai, và tiêu chuẩn ngành 22 TCN về thì bê nguyên xi các công trình khoa học của nước ngoài, không phù hợp với điều kiện Việt Nam...". Những chuyện "động trời" ấy làm cho nhiều người băn khoăn.


Cảng Chân Mây có an toàn?
Bắt đầu từ bức thư đề ngày 28/1/2003 của TS Trương Đình Hiển, nghiên cứu viên cấp cao, PGS, TS Nguyễn Sỹ Hồng, TS. Bùi Quốc Nghĩa (Phân viện Vật lý TP.HCM, thuộc Trung tâm KHTN &CN quốc gia) gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cảnh báo: "Với cao trình 3,5m, mặt bến và kho bãi cảng Chân Mây sẽ bị ngập nước trong điều kiện thời tiết bất lợi", và đề nghị: "Việc xử lý các sai phạm trong thiết kế cao trình bến cảng Chân Mây là việc đương nhiên, tức thì". Tiếp đó, tập thể các nhà khoa học của phân viện này tiếp tục gửi tới Bộ trưởng GTVT thư đề ngày 25/3/2003, yêu cầu xử lý vì thiết kế của Công ty Tư vấn xây dựng cảng đường thủy (TEDI. Port) là không an toàn cho cảng Chân Mây. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Việt Tiến đã ký công văn trả lời: "Việc chọn cao độ mặt bến cảng số 1 bằng 3,5m là hợp lý, khi bến phải khai thác trong giai đoạn chưa có đê chắn sóng. Nếu có đê chắn sóng, cao độ mặt bến chỉ cần 2,9m là đủ".

Bộ trưởng GTVT đã giao cho Hội đồng Khoa học & Công nghệ (KH&CN) của Bộ xem xét. Một hội nghị về vấn đề này được tổ chức. PGS.TS Tống Trần Tùng, với cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng KH&CN đã kết luận: "Tiêu chuẩn ngành mang mã số 22CN222-95 do Bộ GTVT ban hành là tiêu chuẩn "dùng để xác định các tải trọng và tác động do sóng và do tàu khi thiết kế" chứ không phải là tiêu chuẩn để xác định cao trình bến như các nhà khoa học Phân viện Vật lý TP.HCM đã nêu. Báo cáo của Ban QLDA cảng Chân Mây cho biết 3 năm qua, với cao trình đỉnh bến +3,5m đã chọn là an toàn...". Thêm nữa, cảng Chân Mây nằm trong cụm cảng Miền Trung đã được phía Nhật Bản nghiên cứu trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, phía Nhật Bản xác định cao trình cho cảng Chân Mây là 2,5m (thấp hơn so với thiết kế của Việt Nam 1m).

Kè chắn cát cảng Dung Quất: Mắc ở khâu nào?
Kỹ sư Lương Phương Hợp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nói: "Công trình đê chắn cát cảng Dung Quất, TEDI được chỉ định thầu, chúng tôi làm theo các quy định pháp quy, các tiêu chuẩn kỹ thuật. Cái mắc nhất liên quan đến tính toán sóng theo tiêu chuẩn 22TCN. Sau 3 lần sửa, anh Hiển vẫn không đồng ý. Chúng tôi lập thiết kế, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về đứa con của mình.

Tiêu chuẩn ngành 22TCN có phải là sự "đánh cắp"?
GS, TS. Lã Ngọc Khuê nói về "tiêu chuẩn ngành 22TCN" do ông ký ban hành ngày 24/7/1995. Theo ông, việc sử dụng tài liệu của Liên Xô để xây dựng tiêu chuẩn này là công khai, được đề xuất trong đề cương phê duyệt. Không chỉ có tiêu chuẩn 22TCN do Bộ GTVT công bố mà nhiều TCVN khác cũng được tiến hành theo thông lệ như vậy. Thí dụ như QP.TL.C-1-78 do Bộ Thuỷ lợi công bố về "tải trọng và lực tác dụng lên công trình thuỷ lợi". Vì thế, bảo anh em ăn cắp bản quyền là không đúng. Thêm nữa, TCN22 không phải là "Công trình thiết kế tiêu chuẩn ngành cấp QG, nó chỉ là dạng văn bản pháp chế kỹ thuật, không ai gọi đó là công trình khoa học. Nói như thế, thì hầu như các tiêu chuẩn của các ngành khác dựa trên các quy chuẩn, quy trình kỹ thuật của nước ngoài đã có sự nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi để vận dụng ở Việt Nam là ăn cắp cả hay sao?

Ông Trần Lê Trung, Trưởng Ban Quản lý KCN Dung Quất, nói: "Với trách nhiệm là người phụ trách, là chủ đầu tư, tôi sẽ chịu trách nhiệm về dự án đã phê duyệt. Sự thực sẽ chứng minh bằng công trình"...

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Công bố Quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây và khu du lịch Laguna Huế



Ngày 2-4, Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, Hồ Sĩ Nguyên cho biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa công bố quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây và Khu du lịch Laguna Huế tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên -Huế).
Theo phê duyệt, quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Chân Mây có tổng diện tích 668,53ha, trong đó hơn 442ha phần đất liền và khoảng 226ha còn lại là mặt nước. Cảng được thiết kế với ba hạng mục chính: khu vực 1 là công trình thủy gồm luồng tàu và khu quay trở tàu, đê chắn sóng và đê chắn cát cùng hệ thống phao báo hiệu; khu vực 2 là công trình cảng gồm khu bến cảng, khu nhà kho, khu trung tâm lưu thông hàng hóa, kho bãi và công trình dịch vụ cảng; khu vực 3 là khu đô thị cảng gồm các công trình công cộng, công trình hạ tầng thương mại - văn phòng, công trình kỹ thuật và công viên cây xanh cảng...
Theo Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô, đến nay đã có 35 dự án thu hút đầu tư vào KKT này với tổng vốn đăng ký hơn 32 ngàn tỷ đồng; trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, 24 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 10.395 tỷ đồng.
Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô cũng đã công bố quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch Laguna Huế tại thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) với quy mô xây dựng là một tổ hợp du lịch - dịch vụ khép kín cao cấp từ 4-6 sao theo tiêu chuẩn quốc tế, trên cơ sở tôn tạo, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Khu du lịch gồm các khu thương mại - dịch vụ bãi biển, khu trung tâm hội nghị, các khu khách sạn, biệt thự, căn hộ cao cấp và sân golf tiêu chuẩn quốc tế...
Dự án này do tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư trên diện tích 280 ha với tổng vốn đầu tư 875 triệu USD. Đến năm 2012, khu du lịch này sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1.
Khi hoàn tất, Laguna Huế sẽ có bảy khu khách sạn cao cấp với 2.000 phòng, hơn 1.000 căn hộ cao cấp, khu spa, mua sắm, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, các địa điểm giải trí, cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cơ hội mới của Thừa Thiên Huế

Thực hiện chủ trương công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, tỉnh TT.Huế đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Chương trình kinh tế trọng điểm xây dựng đô thị mới Chân Mây, Khu du lịch Lăng Cô và cảng Chân Mây đã triển khai đúng mục tiêu, tiến độ.
Những kết quả ban đầu
Đến nay, khu vực Chân Mây - Lăng Cô đã hoàn thành một số công tác đảm bảo đủ điều kiện cần thiết cho giai đoạn đầu: hoàn thành và công bố Quy hoạch tổng thể đô thị mới Chân Mây; quy hoạch chi tiết Trung tâm đô thị mới Chân Mây, khu công nghiệp Chân Mây, khu Kinh tế - Thương mại Chân Mây, khu ở II và Quy hoạch chi tiết cảng Chân Mây; đồng thời các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng được hoàn thành; đường nối cảng Chân Mây với Quốc lộ 1A; hệ thống đường trục chính du lịch Lăng Cô, Cảnh Dương; hệ thống cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc...Các dự ná sau khi hoàn thành đã được tổ chức khai thác có hiệu quả.

Cầu Lăng Cô (sau này đổi tên cầu Hải Vân) vượt qua đầm Lập An

Đặc biệt, cảng Chân Mây sau hơn hai năm đi vào hoạt động đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, tạo điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm nội địa, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân lao động, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Đến tháng 11-2005 kim ngạch XNK qua cảng Chân Mây đạt 38 triệu USD, chiếm 67% kim ngạch XNK toàn tỉnh...
Trong nhiều năm qua với những cải cách đúng đắn, liên tục, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, giải quyết được nhiều vấn đề xã hội. Tuy vậy, miền Trung vẫn còn khoảng cách khá xa so với miền Bắc và miền Nam. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 - NQ/TW về phát triển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Quyết định 148/2004/QĐ - TTg về phương hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo chủ trương và định hướng đó, việc đẩy nhanh quá trình xây dựng khu vực Chân Mây - Lăng Cô trở thành một trong những “động lực bứt phá” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực phía Bắc Trung Bộ là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam và của tỉnh TT.Huế.
Với vị trí quan trọng đã được xác định, tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô, Trung ương và tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển và hình thành Khu đô thị mới Chân Mây, cảng Chân Mây, khu khuyến khích và phát triển kinh tế - thương mại, khu du lịch Lăng Cô. Sự hình thành và phát triển trong giai đoạn đầu đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực. Khu vực Chân Mây - Lăng Cô và Cảng Chân Mây ngày càng thể hiện rõ tính chất năng động trên địa bàn và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thực tế cho thấy đây là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, việc hình thành các khu vực đơn lẽ đó chưa tạo ra một sự đồng bộ thống nhất trong một không gian đầy tiềm năng và chưa tương xứng với vị trí của một khu vực “nằm trong vùng phát triển năng động” của quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.
Cơ hội mới
Để phát triển khu vực Chân Mây – Lăng Cô theo đúng định hướng việc hình thành Khu kinh tế tổng hợp Chân Mây – Lăng Cô với cơ chế chính sách ưu đãi của một khu kinh tế đồng bộ với các khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội là rất cần thiết. Ngày 24-5-2005, UBND tỉnh đã có Công văn số 1380/UB-XD giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án Chân Mây chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để lập Đề án Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đây là một chủ trương và nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo một trung tâm phát triển cho khu vực phía Bắc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với các khu kinh tế ở phía Nam như Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội... để làm động lực phát triển đồng đều cho toàn vùng tiến tới thu hẹp khoảng cách với hai đầu đất nước.


Từ những yêu cầu thực tế, những bài học thành công và tiến trình hình thành các khu kinh tế tổng hợp tại miền Trung, việc hình thành Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô theo mô hình khu kinh tế tổng hợp là tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế tỉnh TT.Huế.
Và giải pháp
Với tính chất, quy mô và định hướng phát triển là khu kinh tế tổng hợp, đan xen các yếu tố kinh tế với xã hội, phát triển các KCN gắn liền với quá trình đô thị hoá, khu vực Chân Mây - Lăng Cô, mang bản chất của một khu kinh tế tổng hợp và ra đời sau các khu kinh tế tại miền Trung nên cần phải đúc rút kinh nghiệm để có một mô hình phát triển, tổ chức quản lý, cơ chế chính sách phù hợp. Với kinh nghiệm được đúc rút từ những bài học thực tế tại vùng này trong nhiều năm qua, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc hình thành và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô:
1-Trước hết, cần hình thành bộ máy quản lý quy mô, ngang tầm với nhiệm vụ được giao, thuê chuyên gia quản lý nếu thấy cần thiết; tổ chức các đơn vị hoạt động chuyên sâu theo từng lĩnh vực chuyên môn, bố trí cán bộ có nghề nghiệp chuyên môn phù hợp với lĩnh vực được phân công quản lý.
2- Triển khai nhanh việc kiểm kê đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ sử dụng đất hợp pháp, phù hợp quy hoạch nhằm hạn chế việc lấn chiếm đất đai và làm cơ sở giải quyết việc cấp giấy phép sửa chữa, xây dựng nhà ở cấp thiết cho nhân dân. Tổ chức đội quản lý đô thị thường trực trên địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép. Tăng cường biên chế cho các xã để hình thành dần bộ máy quản lý đất đai, cấp phép xây dựng... nhằm chuẩn bị tiếp cận cung cách quản lý khi hình thành đô thị. Tổ chức giao đất một lần hoặc từng khu chức năng cho ban quản lý để triển khai công tác giải tỏa và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tàu cập cảng Chân Mây

3- Giao cho chính quyền địa phương tập trung đầu tư nhanh chóng các khu tái định cư, các khu nghĩa trang để có quỹ đất bố trí cho các hộ thuộc diện giải tỏa và di dời mồ mã. Quỹ đất bố trí tái định cư phải có hạn mức tương đối rộng để vừa giải quyết nhu cầu nhà ở vừa có điều kiện tăng gia sản xuất đảm bảo tự cung, tự cấp một phần trong giai đoạn đầu khi đô thị chưa phát triển.
4- Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa chính quyền địa phương và Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
5- Thành lập trường đào tạo nghề tại Chân Mây để đào tạo nghề cho thanh niên trên địa bàn, tạo điều kiện cho con em các gia đình khó khăn có điều kiện học nghề tại chỗ nhằm giải quyết kịp thời vấn đề chất lượng lao động cho các nhà đầu tư. Tạo cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề để chuyển đổi ngành nghề lao động cho nông dân khi bị thu hồi đất đai.
6- Cần thiết phải đặt văn phòng đại điện hoặc tổ chức thu hút đầu tư tại những nước đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan...
7- Tiếp tục mở rộng cảng Chân Mây để đảm bảo khả năng xếp dỡ lượng hàng có khả năng tăng mạnh vào đầu năm 2006.
8- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, hình thành quỹ đất để tạo vốn, tập trung vốn đầu tư để giải tỏa và đầu tư dứt điểm từng khu chức năng và các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng để nhanh chóng tạo ra diện mạo mới nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư, hạn chế phát sinh đền bù giải tỏa về sau và sớm ổn định đời sống của nhân dân.

Cảng Chân Mây

9- Vấn đề cuối cùng nhưng lại rất quan trọng là việc quản lý quy hoạch đồng bộ cho cả khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Đây là một dự án được hình thành mới nên phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ để nhằm mục đích xây dựng được một khu vực với các chức năng riêng biệt, nhưng mang tính gắn kết, hiện đại và tạo được nét riêng cho vùng triển khai dự án... để trong vòng từ 5 đến 10 năm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trở thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại của vùng KTTĐ miền Trung.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Chính phủ cho phép thành lập trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong thời kỳ chuyển đổi nhằm đáp ứng tiến trình hội nhập nhanh chóng với kinh tế quốc tế và trong lúc mô hình các khu kinh tế miền Trung đang tìm những bước đi ban đầu thì chắc rằng bên cạnh thời cơ sẽ có không ít thách thức, khó khăn. Tuy vậy, yếu tố quyết định thành công của việc xây dựng khu kinh tế phát triển là thời cơ, địa điểm và con người. Chắc chắn với thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương và nỗ lực phấn đấu của CBCNV Ban quản lý, chắc chắn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ phát triển nhanh chóng góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH.